Menard - Thương hiệu mỹ phẩm cao cấp Nhật Bản

Không có nhận xét nào

Đã từ lâu rồi, mỹ phẩm cao cấp không còn là sản phẩm độc quyền của Pháp hay một số nước Tây Âu khác. Không chỉ phụ nữ châu Á mà cả phụ nữ châu Âu đã biết đến và thích dùng hàng mỹ phẩm của Nhật Bản.

Lịch sử thương hiệu

Một trong những thương hiệu hàng đầu của ngành công nghiệp mỹ phẩm cao cấp Nhật Bản là Menard. Và người có công xây dựng Menard trở thành một thương hiệu đẳng cấp quốc tế chính là Chủ tịch tập đoàn Daisuke Nonogawa.

Đặc biệt, kể từ những năm 90 trở đi đến nay, Daisuke Nonogawa đã đưa Menard có mặt ở hầu hết các nước trên thế giới. Menard ngày nay tự hào chiếm một vị trí trang trọng tại bất kỳ cửa hàng mỹ phẩm lớn nào ở Paris, bên cạnh những cái tên lâu đời như Vichy, Amore hay Bourjois.

Công ty mỹ phẩm Menard của nhà Nonogawa được thành lập từ năm 1959, đến nay đã được gần nửa thế kỷ. Ngay từ buổi đầu, Menard đã là nhà sản xuất chuyên các mặt hàng mỹ phẩm, hoá mỹ phẩm như các loại kem bôi da, kem dưỡng da, son, phấn và nhiều hàng trang điểm khác.

Toà nhà trụ sở chính ngày nay của Menard được xây từ năm 1964 tại Nishi-ku, thuộc thành phố Nagoya. Các sản phẩm của Menard hiện không còn được sản xuất trong nhà xưởng nhỏ ban đầu như khi mới thành lập mà trong một khu công nghiệp hiện đại bậc nhất. Khu nhà máy sản xuất mới của Menard được Nonogawa xây dựng và khánh thành năm 1968 tại Inazawa, tỉnh Aichi.

Nonogawa sinh ra và lớn lên tại Komaki, thuộc tỉnh Aichi. Đây là thị trấn nhỏ đã từng được biết đến trong lịch sử bởi cuộc chiến năm 1584 giữa hai vị lãnh chúa Hidegoshi Toyotomie vùng Komaki và Ieyasu của vùng Nagakute. Komaki có vị trí thuận lợi, nằm ngay cạnh sân bay quốc tế và là nơi gặp nhau của hai tuyến đường cao tốc quan trọng Tomei và Meishin.

Người dân Komaki rất tự hào về Daisuke Nonogawa, một trong những người thành đạt nhất của vùng này.

Ông bắt đầu đi làm kiếm tiền từ năm 15 tuổi và trở thành giám đốc công ty Menard năm 21 tuổi. Cùng với sự lớn mạnh của tập đoàn Menard, Nonogawa đã được ghi nhận là người đầu tiên có công đưa nền công nghiệp sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm Nhật Bản bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Hiện ông đang là Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất mỹ phẩm của Nhật Bản. Ngoài ra, Nonogawa còn có nhiều đóng góp và cống hiến trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội khác. Ông được trao tặng nhiều danh hiệu cao quí, trong đó đặc biệt nhất là huân chương Kunsantou Zuihousyo - một trong những danh hiệu cao quí nhất của Chính phủ Nhật Bản.

Với người dân Komaki, chính Daisuke Nonogawa đã biến thị trấn nhỏ này trở thành một địa danh có tiếng và là một điểm đến quan trọng của các tour du lịch. Năm 1987, nhà Nonogawa đã bỏ tiền để xây dựng tại quê hương mình một viện bảo tàng nghệ thuật mang tên Menard.

Viện bảo tàng này trở nên nổi tiếng khi có tại đây hơn 1.300 tác phẩm nghệ thuật với nhiều thể loại khác nhau như tranh, ảnh, tác phẩm điêu khắc, hàng thủ công mỹ nghệ. Bộ sưu tập nghệ thuật này được sưu tầm công phu và có hệ thống nên được các chuyên gia nghệ thuật đánh giá rất cao.

Là người kinh doanh nhưng Nonogawa cũng lại rất chú ý đến các vấn đề văn hoá. Không chỉ dùng Viện bảo tàng nghệ thuật Menard là nơi tôn vinh thương hiệu Menard mà Nonogawa thực sự coi nơi đây cũng là một trung tâm giao lưu văn hoá.

Trong một không gian tuyệt vời, Viện bảo tàng nghệ thuật Menard thường xuyên là nơi diễn ra các lớp đào tạo, các hội nghị, là nơi gặp gỡ của nghệ thuật, nuôi dưỡng văn hoá và vẻ đẹp.

Đưa Menard thành tập đoàn quốc tế

Nếu như trong những năm đầu mới chỉ hiện diện chủ yếu tại thị trường nội địa Nhật Bản thì từ khoảng hơn chục năm nay, dưới sự chèo lái tài ba của Chủ tịch Nonogawa, Menard đã có một chiến lược vươn ra các thị trường quốc tế.

Đặc biệt, từ hơn 5 năm trở lại đây, Menard đã trở thành một tập đoàn mỹ phẩm quốc tế với một thị phần đáng kể. Nhiều tập đoàn khác trong lĩnh vực mỹ phẩm thường chỉ sản xuất và phát triển thương hiệu. Nhưng Daisuke Nonogawa lại phân phối trực tiếp và rất chú trọng xây dựng hệ thống bán hàng cùng các kênh phân phối ở khắp mọi nơi. Tất cả các thị trường quan trọng như Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Canada... đều đã được Menard nhảy vào từ lâu.

Với những mặt hàng mỹ phẩm cao cấp, Daisuke Nonogawa đã không bỏ quên những thị trường béo bở ở các nước và khu vực kinh tế mới phát triển như Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia. Với hơn 14.000 cửa hàng, đại lý bán hàng trực tiếp, cả tập đoàn đã đạt doanh số bán lẻ gần 70 tỉ Yên Nhật vào năm 2004.

Menard ngày nay đã được Daisuke Nonogawa xây dựng thành cả một tập đoàn với trên 30 công ty con khác nhau như Nippon Menard Cosmetic, Sun Menard, Menard Total Service, Menard Land hay Nonogawa Kougei, Nonogawa Bussan.

Là con người nhanh nhạy với kinh doanh và thị trường, Daisuke Nonogawa đã rất sớm chú ý tới các nước đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Việt Nam, Indonesia. Daisuke Nonogawa đánh giá rất đúng về những thị trường vô cùng tiềm năng này. Chiến lược của ông là mở rộng mạng lưới “làm đẹp” của Menard trên toàn cầu. Sự bùng nổ kinh tế đi kèm theo đó là sự xuất hiện ngày càng nhanh và càng nhiều một lớp người thu nhập khá, mong muốn và có khả năng tài chính để làm đẹp. Và đây chính là những đối tượng khách hàng của mỹ phẩm cao cấp Menard.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng ở nước ngoài, từ những năm 90, Daisuke Nonogawa đã chủ trương xây dựng tại nước ngoài nhiều nhà máy sản xuất với công nghệ và thiết bị hoàn toàn của Nhật Bản. Sau những thành công thử nghiệm tại một số nhà máy đặt tại Đài Loan và Thái Lan, Daisuke Nonogawa bắt đầu mạnh dạn đầu tư lớn hơn. Năm 1993 và 1995, ra đời hai nhà máy liên doanh của Menard tại Trung Quốc.

Tiếp theo, Daisuke Nonogawa khánh thành một nhà máy lớn 100% vốn nước ngoài tại Malaysia năm 1998. Bắt đầu từ năm 2004, Menard đã xuất hiện tại Việt Nam với một loạt hệ thống chi nhánh và đại lí ở các thành phố lớn.

Thuộc về sở hữu của tập đoàn Menard do Daisuke Nonogawa làm Chủ tịch còn có khu du lịch, an dưỡng và giải trí cao cấp Aoyama. Đây là cả một quần thể đầy đủ các công trình khách sạn, sân golf, khu thể thao, khu tìm hiểu văn hoá, khu sinh thái với rừng tự nhiên và vườn thảo mộc.

Muốn có thương hiệu phải có chất lượng

Để có được một thương hiệu mỹ phẩm Menard danh giá như ngày nay, Nonogawa và cả tập đoàn đã phải nỗ lực không ngừng để hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nonogawa biết rất rõ rằng muốn đạt tham vọng đưa Menard vươn cao, vươn xa ra thế giới thì trước hết sản phẩm của Menard phải chinh phục được những người phụ nữ Nhật Bản vốn dĩ rất khó tính trong trang điểm. Và Nonogawa còn nhằm vào những đối tượng khó tính nhất để coi là thử thách phải vượt qua. Đó không phải là các thiếu nữ mới lớn mà là những phụ nữ quí phái thành đạt, những người “đã đẹp rồi còn muốn đẹp hơn”.

Các mặt hàng mỹ phẩm của Menard vì thế có tính chuyên dụng rất cao, chỉ để dưỡng một vùng da nhất định hay chỉ để trang trí một đường viền môi hay một đường viền mắt. Lấy đối tượng khách hàng khó tính nhất làm thước đo nên Nonogawa đòi hỏi các mặt hàng mỹ phẩm của mình không chỉ an toàn mà còn phải tôn vinh được vẻ đẹp tự nhiên của người dùng.

Daisuke Nonogawa đã không tiếc tiền chi phí nghiên cứu. Tập đoàn Menard có cả một trung tâm nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm mới rất hiện đại ở Nakaku thuộc Nagoya.

Năm 1982 đánh dấu một mốc phát triển quan trọng trong lịch sử tập đoàn. Lần đầu tiên cái tên Menard đã thật sự vượt ra ngoài biên giới Nhật Bản. Khi đó Menard là công ty đầu tiên trên thế giới tìm ra được công thức tinh chế hoạt chất của nấm linh chi để đưa vào công nghệ sản xuất mỹ phẩm. Đây chính là niềm kiêu hãnh của Menard, là kết quả của nhiều năm nỗ lực nghiên cứu và đầu tư .

Khách hàng của Menard là những người có văn hoá và phong cách và vì vậy, Nonogawa cũng quyết tâm xây dựng một thương hiệu Menard có phong cách và văn hoá Menard. Theo đó, mỹ phẩm Menard sẽ đóng góp làm cho con người và cuộc sống trở nên đẹp hơn, tươi hơn là nó đang có.


Không có nhận xét nào

Đăng nhận xét